Toàn cảnh vụ chìm phà Sewol

Phà Sewol bị chìm. Ảnh: New York Times

Phà Sewol bị chìm. Ảnh: New York Times

Người thân thấp thỏm chờ đợi thông tin của các nạn nhân. Ảnh: TIME

Người thân thấp thỏm chờ đợi thông tin của các nạn nhân. Ảnh: TIME

Gia đình các nạn nhân mất tích chờ đợi tin tức từ quá trình trục vớt trong mỏi mòn. Ảnh: CNN

Gia đình các nạn nhân mất tích chờ đợi tin tức từ quá trình trục vớt trong mỏi mòn. Ảnh: CNN

Được xem như vụ tai nạn hàng hải thảm khốc nhất trong hàng chục năm tại Hàn Quốc, vụ lật phà Sewol nghiêm trọng đã cướp đi sinh mạng của hơn 300 người, nạn nhân hầu hết là học sinh của trường trung học Danwon. Dù đã bao năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc lại, thảm kịch này vẫn khiến nhiều người rơi nước mắt.

0% buffered00:00Current time00:00

Mô phỏng vụ chìm phà. Nguồn: OhMyTV

Mô phỏng vụ chìm phà. Nguồn: OhMyTV

Đêm 15/4, chiếc phà Sewol chở theo 476 hành khách trên khoang trong đó có 324 em học sinh, khởi hành từ cảng Incheon phía tây bắc Hàn Quốc di chuyển đến đảo Jeju.

Cứu nạn chìm phà Sewol. Ảnh: The Guardian

Cứu nạn chìm phà Sewol. Ảnh: The Guardian

8h30 sáng 16/4, hành khách bất ngờ nghe thấy một tiếng động lớn. Sau đó phà bắt đầu nghiêng, chìm dần và lật úp trong khi vẫn còn hàng trăm người mắc kẹt trong phà.

Chuyến đi định mệnh

Chuyến hành trình này vốn dĩ là để các em học sinh trường Trung học Phổ thông Danwon ở thành phố phía Bắc Ansan du lịch và sinh hoạt ngoại khóa. Thế nhưng nó lại biến thành thảm họa cướp đi tính mạng của hơn 300 người trong đó có 250 học sinh, 11 giáo viên và 5 người mất tích đến hiện tại vẫn chưa thể tìm thấy. Những sinh mạng chỉ mới 15-17 tuổi đáng lẽ phải được trải qua quãng thời gian thanh xuân tươi đẹp cùng các bạn đồng trang lứa, nhưng các em đã phải bỏ mình nơi biển sâu.

Ảnh: The Independent

Ảnh: The Independent

Khoảnh khắc cuối cùng

Theo CBS News, một học sinh 17 tuổi Park Su-hyeon đã ghi lại đoạn video rung lắc về cảnh tượng bên trong chiếc phà. Thi thể của cậu cùng chiếc điện thoại đã được tìm thấy. Park Jong-dae, cha của cậu bé đã cung cấp đoạn clip cho hãng thông tấn AP, với mong muốn cả thế giới có thể biết được chuyện gì đã xảy ra khi phà chìm.

Trong đoạn clip, có thể thấy khi phà bắt đầu nghiêng, vài học sinh vẫn chưa kịp ý thức được mức độ nguy hiểm của tình hình, họ cười đùa và nói về việc chụp ảnh đăng lên Facebook.

Đầu video còn một thông báo phát ra từ loa của con tàu, bảo mọi người đừng rời khỏi vị trí của mình. Cảnh báo này được lặp lại vài lần, ngay cả khi phà càng nghiêng và khó để sơ tán hơn. Một số học sinh còn đùa cợt về “những bức ảnh kỷ niệm cuối cùng” và “bất chấp trọng lực” bằng cách bước trên các bức tường.

“Chuyện này thật thú vị”, một học sinh nói. 

“Cứ như Titanic vậy”, một thiếu niên khác cho hay.

Khi các thông báo tiếp theo được phát trên loa, hành khách một lần nữa được yêu cầu ở yên tại chỗ, ngay cả khi một số học sinh không biết liệu có nên nghe theo hay không. 

Ở những phút tiếp theo, nỗi sợ hãi của hành khách càng tăng lên. Một số thắc mắc về việc thuyền trưởng đang ở đâu, một số dường như linh cảm được số phận của chiếc phà và tranh thủ nói lời cuối cùng với người thân.

“Tớ sợ quá”, một học sinh lo lắng. 

“Mẹ ơi, con yêu mẹ”, một thanh niên khác thốt lên.

Nguồn: Dân Trí

Những “người hùng” hi sinh

Trong nỗi tuyệt vọng và sợ hãi, khi nhiều người đang cố gắng tìm cách để thoát khỏi lưỡi hái tử thần thì đâu đó vẫn còn những “anh hùng” bất chấp tính mạng của bản thân, sẵn sàng hy sinh cứu người. Một trong số đó phải kể đến nữ thuyền viên 22 tuổi Park Jee Young đã không màng nguy hiểm để cứu sống hành khách. Khi chiếc phà Sewol đang chìm dần, sự hoảng loạn bủa vây trong tâm trí của mọi người thì nữ thuyền viên vẫn bình tĩnh hướng dẫn, hỗ trợ các em học sinh mặc áo phao. Dù nước đã lên tới ngực cô vẫn ưu tiên mạng sống của hành khách chứ không phải bản thân mình.  

Hai thủy thủ khác là Kim Ki Woong và Jung Hyun Sun đã yêu nhau 4 năm, cơ hội sống sót vẫn còn nếu họ chọn rời khỏi con tàu và có một đám cưới viên mãn. Thế nhưng hai người đã quyết định ở lại, quay trở về cabin giúp các hành khách đang mắc kẹt trốn thoát khỏi phà. Sự hy sinh của họ đã được người dân biết ơn và nhớ đến. Theo AP, vào ngày 12/5/2014, chính phủ Hàn Quốc đã công nhận trên mặt pháp lý 3 thuyền viên của đoàn là anh hùng khi mạo hiểm mạng sống của mình để cứu người bị nạn. 

Nhân viên phục vụ trên tàu Yang Dae Hong (44 tuổi) cũng đã mãi mãi ra đi, bỏ lại người vợ và các con, khi anh lựa chọn không thoát khỏi phà mà ở lại giúp các em học sinh. Người thầy Nam Yun Cheol, 36 tuổi cũng đã hy sinh khi thầy đã đi xuống cabin hỗ trợ và cứu thoát các em. 

Ông Kim Hong Gyeong (59 tuổi), may mắn thoát khỏi phà nhưng không lập tức vào bờ mà ở lại cứu người. Ông đã tạo một sợi dây từ rèm cửa dài tầm 10m và dùng nó để kéo nhiều hành khách đang chới với giữa dòng nước, ông Kim cố gắng cứu thêm khoảng 20 người dù lúc này nước đã dâng quá đầu gối. 

Câu chuyện cứu người đáng ngưỡng mộ của cậu học sinh 17 tuổi Jeong Cha Woong đã khiến nhiều người phải rơi lệ. Qua lời kể của nhân chứng, được biết rằng em đã nhường chiếc áo phao của mình cho một người bạn đang chìm và không ngần ngại lao xuống nước để cứu những người khác, để rồi bỏ mình nơi dòng nước sâu. 

Nữ thuyền viên Park Ji Young. Ảnh: CNN

Nữ thuyền viên Park Ji Young. Ảnh: CNN

Thuyền trưởng bỏ tàu

Theo CBS News, sau khi ra lệnh cho hành khách không được di chuyển, thuyền trưởng Lee Joon-seok đã mất ít nhất 30 phút để ra lệnh sơ tán. Nguyên nhân là vì lực lượng cứu hộ chưa đến, ông Lee lo lắng hành khách sẽ gặp nguy hiểm vì nhiệt độ nước thấp và dòng nước chảy xiết.

Thuyền trưởng cũng không cầm lái vào thời điểm xảy ra tai nạn. Theo NYPost, một nữ thuyền phó thứ ba chỉ với 6 tháng kinh nghiệm đã cầm lái, cú rẽ phải đột ngột được cho là nguyên nhân khiến con tàu mất thăng bằng. 

Trên cương vị là một thuyền trưởng, ông Lee phải giúp thủy thủ đoàn khi phà đi qua những khu vực khó điều hướng và có trách nhiệm phải cứu các hành khách. Tuy nhiên, ông đã bỏ vị trí và cùng với các thủy thủ khác rời khỏi phà đầu tiên.

CNN cho hay, vào 28/4/2015, Tòa án Tối cao Hàn Quốc tuyên án tù chung thân đối với Lee Joon-seok vì tội giết người, nặng hơn mức án 36 năm trong phiên sơ thẩm hồi tháng 11/2014. Tòa cũng đã tuyên án 14 thành viên thủy thủ đoàn khác mức án từ 18 tháng đến 12 năm tù.

Thuyền trưởng Lee Joon-seok bị bắt. Ảnh: Reuters

Thuyền trưởng Lee Joon-seok bị bắt. Ảnh: Reuters

Phiên tòa xét xử thuyền trưởng Lee Joon-seok và các thủy thủ. Ảnh: New York Times

Phiên tòa xét xử thuyền trưởng Lee Joon-seok và các thủy thủ. Ảnh: New York Times

Công tác cứu hộ chậm trễ. Ảnh: New York Times

Công tác cứu hộ chậm trễ. Ảnh: New York Times

Cứu hộ chậm trễ

Số người thiệt mạng đã có thể giảm xuống nếu như công tác cứu hộ được thực hiện tốt hơn. Sewol đã phát đi tín hiệu cấp cứu đầu tiên vào lúc 8h58 phút ngày 16/4 ở vùng biển cách đảo Byung Poong 20km, phà lúc này đã nghiêng một góc 60 độ, trong khi các tàu tuần duyên và trực thăng mới bắt đầu xuất phát. Đến 9h30 phút tàu tuần duyên 100 tấn của cảnh sát biển và 14 thủy thủ đã có mặt tại hiện trường vụ tai nạn. Tuy nhiên, phải 8 phút sau đó, họ mới hạ 1 chiếc xuồng cao su để cứu hộ các nạn nhân trên phà Sewol. Phản ứng chậm chạp của lực lượng cứu hộ cộng thêm việc họ đã không cố gắng tiếp cận sâu vào bên trong phà khiến cho cơ hội sống sót của các nạn nhân càng trở nên mong manh.


Lòng tham và sự cẩu thả là yếu tố dẫn đến sự việc đau lòng này. Ảnh: AFP - Getty Images

Lòng tham và sự cẩu thả là yếu tố dẫn đến sự việc đau lòng này. Ảnh: AFP - Getty Images

Phà quá tải – Lòng tham và sự cẩu thả

Theo CNN, các công tố viên cho biết, vào tháng 3/2013, kể từ khi Công ty Hàng hải Chonghaejin bắt đầu đưa vào hoạt động tuyến Incheon đến Jeju, 57% chuyến đi của họ đã chở quá số hàng quy định (139 lần trong số 241 chuyến). Các nhà điều tra cho biết công ty đã thu thêm lợi nhuận từ việc chở quá tải phà, kiếm thêm 2,9 triệu đô la.

Tờ The New York Times nói rằng, vào ngày chiếc phà bị chìm, các chủ hàng đã chất lên phà gấp đôi lượng hàng hóa cho phép. Khi tàu Sewol rời cảng Incheon ngày 16/4/2014, nhà điều tra cho biết nó chở lượng hàng hóa nặng 3.600 tấn. Những thủy thủ đoàn không chỉ nói dối về tổng trọng lượng mà còn cẩu thả trong việc cố định hàng hóa. Họ sử dụng dây thừng thay vì xích sắt để buộc hàng. Sự lỏng lẻo này đã khiến hàng hóa bị tuột ra sau cú rẽ, góp phần làm chiếc phà bị lật.

Người phụ nữ khóc thét trong lúc chờ tin tức từ người thân. Ảnh: CBC

Người phụ nữ khóc thét trong lúc chờ tin tức từ người thân. Ảnh: CBC

Nỗi đau người ở lại

Theo CNN, phó hiệu trưởng trường Danwon, một trong số 172 người sống sót, đã treo cổ tự sát chỉ 2 ngày sau khi được cứu khỏi phà. Cảm giác đau đớn và mặc cảm tội lỗi đã khiến ông không thể tha thứ cho bản thân. Những học sinh khác cũng phải chịu nhiều chấn thương tâm lý sau vụ tai nạn. 

Đã gần 9 năm sau thảm họa chìm phà Sewol, nhưng vẫn còn những gia đình đang phải vật lộn để đối mặt với thảm kịch này. Điều gây tổn thương nhất là cảm giác áy náy, xót xa của các bậc cha mẹ, những người cho rằng họ đã thất bại trong việc bảo vệ con của mình và luôn bị ám ảnh bởi sự ra đi của những đứa trẻ xấu số. 

Theo The New York Times, một số gia đình ở Thành phố Ansan cho biết, ít nhất có 3 phụ huynh đã tự sát sau khi mất con trong vụ chìm phà. Một số gia đình tan vỡ vì ly hôn, số khác đã chuyển đi. Tuy nhiên, vẫn còn một vài gia đình liên lạc với nhau để an ủi lẫn nhau, để lưu giữ những mảnh ký ức về sự tồn tại của con cái họ.

Học sinh buộc ruy băng vàng trước trường Danwon. Ảnh: CNN

Học sinh buộc ruy băng vàng trước trường Danwon. Ảnh: CNN

Dải ruy băng vàng

Mỗi năm vào ngày 16/4, nhiều hoạt động được tổ chức trên khắp đất nước Hàn Quốc để tưởng nhớ những nạn nhân. Một hình ảnh tiêu biểu là dải ruy băng màu vàng với thông điệp “Phong trào nhỏ, phép màu lớn”. Những dải băng được buộc chặt vào các thanh kim loại của cổng chính tại trường trung học Danwon. Nhiều chiếc cột và thân cây gần ngôi trường cũng tràn ngập trong sắc vàng. 

Theo CNN, hình ảnh ruy băng đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và ngày càng phổ biến hơn nhờ sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng như G-Dragon, Park Shin Hye,… Những chiến dịch dựa trên hình ảnh này cũng được tổ chức nhằm gây quỹ cho gia đình các nạn nhân. Trong thời gian đầu, dải ruy băng vàng được xem là biểu tượng của niềm tin và hy vọng những người mất tích có thể được tìm thấy, nhưng khi họ không thể trở về, chúng đã trở thành biểu tượng của sự thương tiếc và tưởng nhớ.

Join the world's leading storytelling teams at Shorthand.
TRY IT FOR FREE
No code, no credit card, & no commitment required.